Những cặp vợ chồng trẻ con ở rẻo cao
         
Thứ năm, 7/4/2011, 12:06 GMT+7    http://vnexpress.net/gl/doi-song/2011/04/nhung-cap-vo-chong-tre-con-o-reo-cao/


Những cặp vợ chồng trẻ con ở rẻo cao

Cầm bút hý hoáy trên vở, Sắc ngượng ngùng liếc sang phía bạn ngồi cạnh: “Em và Vách cưới nhau được hai tháng rồi, định nghỉ học nhưng thầy cô đến nhà khuyên cố gắng đến trường kiếm thêm cái chữ nên cả hai đồng tình trở lại lớp”.

Ngồi bên cạnh Phạm Thị Sắc chính là chồng cô bé, Phạm Văn Vách. Bước vào lớp 9, trường THCS Ba Xa này, ít ai ngờ rằng đôi bạn Vách và Sắc ngồi cùng bàn lại là vợ chồng son.

Phải mất nhiều tuần vượt suối, băng rừng vận động, cuối cùng các giáo viên trường THCS Ba Xa, huyện miền núi Ba Tơ (Quảng Ngãi), đã thuyết phục được đôi vợ chồng trẻ tuổi độ trăng tròn mới cưới nhau trở lại lớp tiếp tục học tập.

Đôi vợ chồng mới cưới Vách - Sắc ngồi bên nhau ở bàn đầu lớp học. Ảnh: Trí Tín
Đôi vợ chồng mới cưới Vách - Sắc ngồi bên nhau ở bàn đầu lớp học. Ảnh: Trí Tín.

Là giáo viên gắn bó với ngôi trường này đã hơn 10 năm qua, hơn ai hết thầy giáo Phạm Đông Duy, dạy môn Vật lý, hiểu rõ thực trạng học trò kết hôn sớm ở vùng đất này: “Tình trạng học sinh ở vùng cao heo hút này có vợ, có chồng sớm đã giảm nhiều so với mấy năm trước rồi đó. Chứ cách đây khoảng ba năm, rất nhiều học sinh lấy chồng, lấy vợ sớm ngay từ lớp 6. Mỗi năm có khoảng 6 đến 8 học sinh nghỉ học để lập gia đình”.

Tập tục vùng cao xã Ba Xa, trai gái trong làng lớn lên thích nhau là cưới mặc dù chưa đến tuổi kết hôn theo Luật hôn nhân gia đình. Có thể nói vợ chồng Vách và Sắc là hai học sinh hiếm hoi cưới nhau xong quay trở lại lớp tiếp tục học tập. Thầy giáo Trương Công Huy, Phó hiệu trưởng trường THCS Ba Xa thở dài: “Các em lỡ cưới nhau thì nhà trường chỉ còn biết cách động viên từ từ có con, cố gắng học hết lớp 9, tốt nghiệp THCS để có cơ hội học cái nghề mưu sinh kiếm sống. Chứ nghỉ học giữa chừng như thế này thì suốt đời chịu cơ cực, nghèo khổ mãi thôi”.

Theo thầy giáo Huy, sở dĩ nạn tảo hôn ở vùng cao này còn kéo dài dai dẳng đến ngày nay là do chính quyền địa phương chưa có giải pháp mạnh để chấn chỉnh, thiếu quan tâm tuyên truyền luật hôn nhân gia đình cho đồng bào.

Bà mẹ 16 tuổi Phạm Thị Trôn bế đứa con của mình. Ảnh: Trí Tín
Bà mẹ 16 tuổi Phạm Thị Trôn bế đứa con của mình. Ảnh: Trí Tín.

Đi khắp các bản làng: Gò Re, Mang Kà Rá, Nước Như, Nước Chạch, Ba Ha…, xã Ba Xa, đến đâu cũng dễ dàng gặp những cô gái trẻ khoảng 15, 16 tuổi địu con đi làm rẫy, lấy nước suối hoặc tán gẫu nơi đầu làng. Hầu hết nữ sinh nghỉ học lấy chồng rồi ở nhà sinh con, còn chồng làm nương rẫy hoặc đi làm thuê có khi cả tuần, nửa tháng mới về nhà một lần.

Nghỉ học từ năm lớp 4, làm rẫy được hai năm, Phạm Thị Trôn ở thôn Làng Chạch đã lấy chồng. Nay 16 tuổi, Trôn đã có con đầu lòng tròn một tuổi. Từ ngày có con, Xiêm (chồng Trôn) đi phát rẫy thuê biền biệt, thỉnh thoảng trở về nhà rồi lại ra đi bỏ hai mẹ con bơ vơ. “Cứ nửa tháng chồng về thăm nhà đưa vài trăm nghìn rồi lại đi làm thuê, ngủ luôn trên rẫy tận Đức Phổ (cách nhà hơn 50 cây số). Đợi con lớn chút nữa, vợ chồng mới đi lên xã ký giấy kết hôn, rồi làm giấy khai sinh luôn cho con”, người mẹ 16 tuổi vừa ru con ngủ vừa bẽn lẽn nói.

Những cô gái trẻ trở thành vợ, mẹ khi mới 14-16 tuổi, ở xã Ba Xa. Ảnh: Trí Tín
Những cô gái trẻ trở thành vợ, mẹ khi mới 14-16 tuổi, ở xã Ba Xa. Ảnh: Trí Tín.

Lập gia đình khi mới nghỉ học lớp 7, lớp 8, hầu hết chàng trai, cô gái vừa mới lớn lên ở vùng cao Ba Xa chưa được trang bị kiến thức đầy đủ về chuyện hôn nhân gia đình, sức khỏe sinh sản. Do vậy, nhiều cô gái trẻ mang bầu đến tháng thứ 8 mà vẫn chưa một lần đến cơ sở y tế để khám sức khỏe thai nhi.

“Tụi trẻ gặp, quen nhau thấy ưng cái bụng là cha mẹ phải nghe theo chúng thôi, chứ không ép gì. Có đứa cưới nhau rồi vẫn đến trường học, nhiều đứa mắc cỡ là nghỉ học luôn để đi làm nương rẫy, làm thuê”, ông Phạm Văn Tinh ở thôn làng Chạch bộc bạch.

Tình trạng tảo hôn còn hiện hữu ở khắp các bản làng vùng cao Ba Xa càng khiến cho cuộc sống của đồng bào nơi đây cứ luẩn quẩn trong vòng vây của đói nghèo. Hiện tại xã Ba Xa còn hơn 70% hộ nghèo. Năm 2010 xã có khoảng 600 hộ nghèo thì đến đầu năm nay tăng thêm 200 hộ.

“Nguyên nhân chủ yếu là các cặp vợ chồng trẻ tảo hôn trước đây sống chung với ba mẹ giờ tách hộ khẩu ra. Nhiều lần các gia đình tổ chức cưới cho con chưa đủ 18 tuổi có mời cán bộ xã, nhưng chúng tôi không dám đi dự vì họ làm sai luật hôn nhân gia đình”, ông Đinh Văn Oang, Chủ tịch UBND xã Ba Xa cho biết.

Trí Tín 

Ý kiến bạn đọc () Sắp xếp theo:

nguyen nhan cua su doi ngheo la day .......!

toi khong hieu duoc cuoc song nay nua ,dung la khong co ji la khong the xay ra .chinh vi co nhung con nguoi nhu vay moi dan den su doi ngheo cho xa hoi va cho dat nuoc nay
cu lon len duoc mot ty la cuoi vo lay chong roi sinh con chang lam an duoc ji nua het .ngheo lai cang ngheo .kho doi cu the la tiep dien thi biet dau la phat trien va truong ton duoc chu . Toi yeu VIET NAM va toi khong muon dat nuoc toi nhu the nay ,xin hay thay doi cach song do .

( thanh dinh )


Bài hay!

Bài viết hay, cảm ơn tác giả Trí Tín. Tôi đang mệt mỏi vì lướt qua lướt lại rất nhiều tin, bài lá cải trên báo thời gian gần đây :D

( Diệp Lục )



> > > > >