Teen nổi loạn khi cha mẹ đi bước nữa
         
Thứ hai, 11/4/2011, 09:17 GMT+7  http://vnexpress.net/gl/doi-song/2011/04/teen-noi-loan-khi-cha-me-di-buoc-nua/


Teen nổi loạn khi cha mẹ đi bước nữa

Ảnh:
Ảnh: cincinnatichildrens.org.

“Em không còn muốn sống trong nhà ấy nữa. Họ cả ngày chỉ biết chăm sóc đến nhau, còn em như người thừa, làm chướng mắt họ”, Minh Phương (15 tuổi) vừa nói vừa khóc khi được mẹ đưa đến gặp bác sĩ tâm lý sau lần đi “dạt nhà” gần chục ngày mới về.
> Sốc khi mẹ đi lấy chồng

Trước mặt chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Việt Anh, tại Trung tâm tư vấn tâm lý Hà Nội, trong suốt gần hai tiếng nói chuyện, cô bé Phương (nhà ở Nguyễn Thái Học, Hà Nội) không hề quay ra nhìn mẹ lấy một lần.

Bố mẹ Phương chia tay từ năm em lên 9 tuổi. “Họ chia tay cháu lại thấy thanh thản vì ở với nhau họ suốt ngày dằn vặt nhau. Nhưng cháu cũng không muốn mẹ lấy chồng khác, vì chính mẹ nói đàn ông đều ích kỷ giống nhau, chính mẹ đã hứa sẽ chỉ ở vậy nuôi cháu. Vậy mà mẹ đã thất hứa”, Phương thổ lộ.

Cô bé cũng cho biết trước đây khi chưa có bạn trai, mẹ rất quan tâm đến em, nhưng từ lúc lấy chồng thì không còn để ý đến em nữa, chỉ lo lắng chăm sóc cho chồng mới của mình. Vì vậy mà em chán nản, bỏ học, bỏ nhà đi. Trong hơn một tuần "dạt nhà" ấy, ngày thì Phương trốn ở các quán game nhảy audition, khi thì lang thang siêu thị, đêm về nhà bạn ngủ.

“Lúc đó cháu hoang mang lắm, không biết mình phải làm gì, đi đâu, về đâu. Có lúc cháu chỉ ước mình không sinh ra trên đời này. Có lẽ như vậy cháu sẽ đỡ khổ hơn. Cháu sợ bị bỏ rơi!”, chưa kể hết cô bé đã òa khóc nức nở.

Tâm sự về tình trạng này, chuyên gia tư vấn Việt Anh chia sẻ rằng Phương chỉ là một trong số rất nhiều bạn trẻ rơi vào tình trạng hoảng loạn và muốn tự hủy hoại mình khi bố mẹ đi lấy người khác. Dù được chuẩn bị trước về tâm lý, hay được cả bố, mẹ mới quan tâm thì trẻ vẫn không thể thoát khỏi những ám ảnh kiểu dì ghẻ, con chồng, khiến chúng sợ hãi, muốn buông xuôi, hoặc có khi là nổi loạn để buộc bố mẹ phải để mắt đến mình hơn. Đó là cách “thu hút sự quan tâm”, khi mà trẻ bế tắc, tuyệt vọng.

Bà Việt Anh từng gặp câu chuyện một cậu học sinh lớp 10 đã lao vào cờ bạc, rượu chè khi bố đi lấy vợ khác.

Đêm ấy khi đang làm việc, bà nhận được điện thoại của cậu thanh niên tên Hùng (16 tuổi), nhà ở Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội. Bằng giọng chán nản, rầu rĩ, cậu kể: “Cháu đang ở ngoài bến xe Giáp Bát. Cháu đã mua vé đi Sài Gòn rồi cô ạ. Cháu thấy chán nản. Cháu không biết mình phải làm gì bây giờ. Bố cháu đã lấy một người phụ nữ không biết yêu thương người khác. Bà ta chỉ giả vờ thương cháu trước mặt bố thôi. Còn khi bố không có mặt, bà ta lại lên giọng chửi mắng, thậm chí là nói xấu cháu và mẹ cháu thậm tệ. Bà ta ác lắm”.

Hùng chỉ nói đến đó rồi dập máy. Được gọi điện lại, cậu vừa khóc vừa tâm sự: “Từ giờ cháu không còn gì ở đây nữa. Cháu phải vào Sài Gòn để làm ăn. Hai người họ rồi sẽ có những người con khác. Bố cháu cũng không cần cháu nữa. Cháu không còn gì ở đây nữa cô ạ. Cháu cũng còn nhiều nợ nần chưa trả. Bọn chủ nợ đang tìm cháu”.

Sau khi hỏi rõ mọi chuyện, nhà tâm lý đã khuyên cậu nên quay trở về nhà, nói chuyện thẳng thắn với bố như hai người đàn ông và kể hết những ấm ức trong lòng.

Cả đêm hôm đó Hùng đã ngồi ngoài bến xe Giáp Bát, và rồi cậu quyết định quay trở về nhà. Gần một tuần sau, cậu gọi điện để cảm ơn chuyên gia tư vấn: “Nhờ có cô mà bây giờ cháu mới được ở Hà Nội”.

Không những bỏ nhà đi, lao vào cờ bạc, rượu chè, lô đề, mà thậm chí Duy (17 tuổi), ở Khâm Thiên, Hà Nội còn cố tình dẫn bạn gái về nhà để phản đối bố và mẹ kế.

Duy vốn là học sinh ngoan, tuy tính tình có phần lầm lỳ, lạnh lùng. Trước khi bố mẹ ly dị, mẹ đi Đức sống, để lại Duy ở với bố. Trong mắt Duy, bố là thần tượng, là người đàn ông tử tế nhất, người bố tốt nhất. Nhưng từ ngày biết bố có bạn gái, cậu phản đối ra mặt, dù ông có thủ thỉ tâm sự, khuyên ngăn thế nào. Đến ngày bố kết hôn cũng là ngày mối quan hệ của hai bố con "căng như dây đàn".

Cậu thanh niên ngày càng lầm lỳ hơn. Đi học về chỉ ở trên phòng, đợi bố mẹ ăn cơm xong mới xuống ăn rồi lại về "tổ". Và Duy bắt đầu bỏ học, hút thuốc, karaoke, vũ trường, và biết yêu. Bố cậu ra sức khuyên bảo, có lúc dọa nạt, nhưng đều vô tác dụng. Thậm chí, cậu còn dẫn bạn gái về nhà. Có hôm bố mẹ đi vắng, Duy dẫn bạn gái vào phòng, làm trò thân mật ngay ở phòng khách. Đến lúc bố về, cô bạn gái hốt hoảng đứng dậy ông trong khi Duy vẫm câm lặng.

Đến mức này, không còn cách nào khác bố Duy đành tìm đến trung tâm tư vấn để tìm cách thay đổi con trai mình.

Chuyên gia Nguyễn Văn Thành, Trung tâm Tư vấn tâm lý Share cho rằng rất có thể Duy đã mắc chứng trầm cảm, do tâm trạng chất chứa nhiều tâm sự, suy nghĩ, uất ức mà không thể chia sẻ với ai. Đặc biệt ở độ tuổi này, trẻ cũng rất dễ bị sốc, và hành động nổi loạn vì nghĩ rằng mọi thứ không như mình nghĩ. Như trường hợp của Duy là do sự thất vọng về bố. Vì quá thần thánh bố, muốn ông phải đúng theo ý mình mà không được, lại phải san sẻ bố với người khác, nên cậu bị “vỡ vụn niềm tin”, không còn tin tưởng vào bất kỳ điều gì nữa. Vì vậy Duy tìm cách chống đối, phá phách…. Mục đích cuối cùng cũng chỉ là lôi kéo tình yêu và sự quan tâm của bố về phía cậu mà thôi.

“Điều quan trọng bây giờ là cần phải có sự kết hợp của cả hai người. Nếu vợ mới của bố cũng là một người biết yêu thương và quan tâm đến con của chồng, thì hãy cùng nhau cảm hóa dần dần trái tim của con trẻ. Bởi trái tim của con cái chúng ta cũng rất nhạy cảm. Chúng không hiểu được nhiều nhưng lại luôn biết cảm động và trân trọng những quan tâm nhẹ nhàng, những lời chia sẻ bình dị. Đó chính là nền tảng đầu tiên để con đứng về phía bạn khi bạn muốn đi bước nữa”, chuyên gia Văn Thành khẳng định.

Thụy Anh


Thứ tư, 16/3/2011, 15:37 GMT+7  http://vnexpress.net/gl/doi-song/2011/03/soc-khi-me-di-lay-chong/

Sốc khi mẹ đi lấy chồng

Lấy chồng
Cha mẹ tái hôn thường để lại cảm giác tủi thân, lo lắng cho trẻ, do đó, trẻ cần được tiếp cận thông tin này một cách từ từ, tự nhiên. Ảnh: elizabethannedesigns.com.

“Sao mẹ lại làm thế, em mới chỉ gặp ông ấy có vài lần mà mẹ đã nói sẽ tái hôn với ông ấy. Mẹ không nói gì trước đó, không tôn trọng em!”, lời tâm sự của Linh (17 tuổi, Kim Giang, Hà Nội) lẫn trong nước mắt và những tiếng nấc.

Bố mẹ Linh chia tay nhau đã bảy năm, vì bố hay đi công tác xa và có người khác. Một tối, mẹ vào phòng Linh nói chuyện và thông báo quyết định sẽ tái hôn. Vốn quen với bảy năm không có bố, không có người đàn ông nào trong nhà nên bây giờ tưởng tượng đến cảnh tự dưng phải gọi một người lạ hoắc bằng “bố”, cô gái trẻ thấy không thể chấp nhận được.

“Mẹ và bác ấy là bạn thân từ ngày xưa, bác ấy có đến nhà ăn cơm vài lần. Nhưng sau những buổi đó mẹ cũng không nói gì, hay tâm sự về ý định của mẹ, nếu mẹ nói trước đó thì đã khác, mẹ phải hỏi em xem em nghĩ gì chứ!”, Linh ấm ức kể. Cô giận mẹ đến mức cuối tuần vừa rồi đã từ chối không đi ăn cơm với mẹ, không chịu ra khỏi phòng và về nhà không nói với mẹ một câu.

   
 
 
 
      
     
Cũng bất ngờ trước quyết định tái hôn của mẹ, Trung (15 tuổi, Khương Trung, Hà Nội) tỏ ra chán chường, đi khỏi nhà suốt ngày và tụ tập quán xá với bạn bè. Thậm chí có buổi tối cậu còn không về nhà, cũng không báo để mẹ phải tất tưởi đi tìm, khóc lóc van xin con về.

“Bố mới mất được 4 năm thế mà mẹ đã định tái hôn với người khác, mẹ không hiểu làm như thế là tổn thương đến em rất nhiều. Không hề báo trước, một ngày mẹ đưa em và em gái đi ăn nhà hàng, ông ấy xuất hiện và nói rằng sẽ tái hôn với mẹ”, Trung kể. Lý do khiến cậu phản ứng mạnh là vì không hiểu và không biết gì về người đàn ông này, sợ ông ta là người không tốt, và hai anh em sẽ khổ.

Ở tuổi 38, mẹ của Trung trông vẫn còn trẻ và Trung hiểu mẹ cần một người đàn ông bên cạnh để đỡ đần cho cuộc sống, nhưng cậu vẫn không khỏi lo lắng, suy sụp tinh thần khi chuẩn bị tiếp nhận một người mới trong gia đình.

Khác với hai trường hợp trên, Phương (19 tuổi, Trần Quý Cáp, Hà Nội) dù đã chuẩn bị tinh thần từ trước nhưng vẫn không tránh khỏi bàng hoàng, tủi thân.

"Khi bố mất vì tai nạn, mẹ đã rất buồn, nhiều khi thấy mẹ khóc một mình em thương lắm, thấy mẹ dựa vào đôi vai nhỏ bé của mình mà thương mẹ, nên mẹ đi lấy chồng cũng vui, mà cũng buồn”, cô gái trẻ tâm sự.

Phương sợ cảnh một người không phải là bố đi lại trong nhà, cùng ăn cơm, và sợ hơn hết là một cuộc sống mới khác hoàn toàn với trước kia. “Mẹ nói nếu kết hôn, thì hai mẹ con sẽ chuyển đến nhà của bác ấy ở. Thế là cái gì cũng xa lạ, và cái gì cũng không phải là của mình!”, cô lo lắng nói.

Từng rơi vào hoàn cảnh tương tự khi quyết định tái hôn, chị Hương (42 tuổi, Nguyễn Phong Sắc, Hà Nội) tâm sự về phản ứng của con gái mình: “Con bé chỉ ngồi lặng im, nó cười nhưng mấy ngày sau đó thì thấy ít nói cười hẳn, không trách móc, không phản đối. Cứ thu mình trong phòng, làm gì cũng lâu hơn bình thường, ăn một bữa cơm mà tôi thấy nặng nề như hàng tiếng đồng hồ. Lúc đó nếu bỏ ý định tái giá để con bé vui vẻ như bình thường thì cũng bằng lòng”.

Chị Hương đã đưa con gái thoát khỏi tình trạng đó bằng cách cùng con đi chơi và dành nhiều thời gian tâm sự với con. “Thường thì trẻ rất nhạy cảm, đối với con bé mẹ đang là tất cả, bỗng dựng bị san sẻ với người khác, chúng thấy dễ bị tổn thương, tủi thân”, và chị tâm niệm phải giúp con vượt qua cú sốc tinh thần. Sau hơn 4 tháng từ ngày thông báo với con gái quyết định quan trọng, đám cưới của chị đã được tổ chức trong nụ cười tươi tắn của con.

Trên thực tế, không ít bạn trẻ đã gọi điện đến các tổng đài tư vấn để tâm sự về chuyện mẹ (cha) tái giá. Cũng rất nhiều bà mẹ đã gọi điện đến xin lời khuyên trước những phản ứng tâm lý và hành động bất ngờ của con.

Bà Nguyễn Bích Hiền, Trung tâm tư vấn tâm lý Hà Nội đưa ra giải pháp: Trước tiên mẹ (cha) hãy cho con làm quen với người mình định tái giá theo những cách tự nhiên nhất như: Đi chơi, đi ăn uống cuối tuần với một nhóm bạn bè, hãy để ý và tạo ấn tượng tốt cho trẻ để chúng tự cảm nhận được mọi thứ và do đó sẽ hạn chế nhưng phản ứng đáng tiếc khi nghe tin chính thức.

"Trẻ nhận thức được sự thay đổi cuộc sống và trong tâm thức chúng thấy nhiều mối lo sợ và bất ổn, đây là một quyết định quan trọng của cuộc đời vì vậy người lớn hãy xây một cái cầu thang tâm lý theo từng bậc một, dần dần và tuyệt đối không được vội vàng", bà Hiền nói.

Ông Nguyễn Hồi Loan (giảng viên khoa tâm lý, ĐH Khoa Học Xã Hôi & Nhân Văn) thì đưa ra nhận định: Hiện nay trên thế giới cứ 100 cặp kết hôn thì có gần 50 cặp ly hôn và trong số đó có 50% số người có quyết định tái hôn. Nên việc có cha mẹ tái hôn không phải là điều quá xa lạ và dị thường. Việc các em có phản ứng tâm lý gay gắt hay trầm cảm là tâm lý thông thường. Nhưng hãy đặt mình vào vị trí của người lớn, ai cũng có quyền được có một gia đình, các em cần có một gia đình riêng nhỏ bé. Khi đưa ra quyết định tái hôn chắc chắn bố hoặc mẹ đã phải suy nghĩ rất kỹ, vì thế các bạn trẻ hãy tự mình cứu bản thân khỏi tâm trạng u uất và ủng hộ quyết định đó.

Đồng Phương Thảo

Theo dòng sự kiện:
Mâu thuẫn gia đình (08/01)
Vợ chồng cãi nhau 40 phút mỗi ngày vì việc nhà (08/01)