Giây phút cuối cùng của tử tù
"Hôm nay con phải đi xa mẹ và gia đình
mãi mãi rồi. Con nhớ thương mẹ và các cháu nhiều lắm.
Con ngàn lần xin gia đình tha lỗi. Bố ân hận không giúp
gì cho các con trong quãng đời còn lại, tha thứ cho bố
nhé. Thương hai con nhiều. Vĩnh biệt...", lá thư của tử
tù viết.
>
Rạng sáng ở pháp trường
Sống trong buồng biệt giam và không được biết trước ngày cuối đời nên hầu hết tử tù đều sống trong tâm trạng thấp thỏm. Nếu 2h sáng, không nghe thấy tiếng lách cách của khóa cửa sắt buồng giam, tử tù biết mình may mắn sống sót thêm một ngày. Thế nhưng, đa phần họ đều âm thầm chuẩn bị cho cuộc ra đi.
Một quản giáo của Trại tạm giam số 1, Công an Hà Nội nhớ lại, trong suốt 20 năm công tác, từng tiếp xúc với rất nhiều tử tù, dù hội đồng xét xử nhận định họ "mất hết tính người, cần phải loại bỏ ra khỏi đời sống xã hội", nhưng mỗi một cuộc "chia tay" với tử tù ông cảm thấy lòng nặng trĩu.
Theo thông lệ, 2 giờ sáng cán bộ quản giáo sẽ là người đầu tiên vào buồng giam, đánh thức tử tù. Câu nói quen thuộc bắt đầu bao giờ cũng là: "Hôm nay đi trả án nhé". Câu nói sau đó như rơi tọt vào khoảng không gian thinh lặng.
![]() |
Nguyễn Đức Nghĩa đã bị kết án tử hình về tội giết người. Tử tội này đang trong những ngày chờ đợ ân xá của chủ tịch nước. |
Vào những giây phút ấy, đa phần tử tù đều trở nên luống cuống. Dù tất cả tử tù đều biết rõ hình phạt đối với mình và đã chuẩn bị tâm lý nhưng hầu hết đều bị sốc và suy sụp. Họ được tắm giặt, làm vệ sinh cá nhân, được thay quần áo mới để chuẩn bị cho cuộc ra đi.
Sau khi công bố việc đơn xin ân xá bị bác, họ được trích xuất để làm thủ tục ra pháp trường. Tử tù sẽ được phép viết thư hoặc nhắn tin (qua máy ghi âm) cho người thân.
Thượng tá Bùi Ngọc Bình (Giám thị trại tạm giam số 1) nhớ lại lần đưa tử tù Nguyễn Văn Thuân và Nguyễn Thế Đô ra pháp trường. Đó là một ngày cuối tháng 9/2010, sương giăng mù mịt quanh trại tạm giam Công an Hà Nội. Thuân mới ngoài 20 tuổi, anh ta phạm tội giết người, cướp của. Nạn nhân là một cụ già.
Khó khăn lắm, Thuân mới đi đến được phòng thủ tục với sự giúp đỡ của hai cảnh sát. Cán bộ đẩy đến trước mặt cậu ta cây bút và tờ giấy trắng. Bàn tay Thuân run lập cập, phải rất lâu, anh ta mới viết được vài chữ vẫn còn sai chính tả: “Bố mẹ, tại con, con làm nên tội con phải chịu. Bố mẹ đừng buồn làm gì".
Ngập ngừng mãi, Thuân viết tiếp: "Con đi rồi thì nhớ đưa con về nằm với bà, đừng để con ở ngoài Hà Nội này...".
Thượng tá Bình kể, trong suốt thời gian sống trong biệt giam, tử tù Nguyễn Thế Đô luôn ân hận về tội ác của mình và thương hai đứa con gái. Đô là một kẻ nghiện ngập, vợ bỏ vào Nam sinh sống để lại 2 đứa con gái. Một lần, anh ta đã cầm dao đâm chết bà lão bán ma túy để cướp chiếc nhẫn vàng... Đô từng tâm sự, anh ta luôn bị ám ảnh về tội lỗi đã gây ra.
![]() |
Nguyễn Thế Đô dáo dác nhìn bóng dáng người thân trước khi được đưa về trại tạm giam. |
Trong giờ ra pháp trường, Đô run rẩy dòng chữ: "Hôm nay con phải đi xa mẹ và gia đình mãi mãi rồi. Con nhớ thương mẹ và các cháu nhiều lắm, con ngàn lần xin gia đình tha lỗi cho con. Mẹ nhớ giữ gìn sức khỏe để nuôi dạy hai cháu cho con, đừng để các cháu phải khổ mẹ nhé".
Rồi Đô dặn dò hai con gái: "Bố ân hận không giúp gì cho các con trong quãng đời còn lại, các con tha thứ cho bố nhé. Bố thương hai con nhiều. Vĩnh biệt...".
Thủ tục nhận dạng, lăn tay, ký vào bản giao nhận quyết định thi hành án xong, tử tù được ăn bữa ăn cuối cùng, gồm một bát phở gà, một cốc nước và một điếu thuốc lá. Đô cầm đũa khều khều mấy cọng phở, mắt anh ta ầng ậng. Quản giáo khuyên: “Ăn một chút đi, kẻo chết lại phải làm ma đói. Kiếp sau có làm người thì sống cho tốt hơn nhé!”.
Lời nói cuối cùng, Đô cảm ơn các cán bộ quản giáo đã giúp đỡ và chia sẻ với mình những ngày cuối đời. “Thôi, đi nhé. Đi là hết nợ!”, một người an ủi. Đô được dẫn giải ra pháp trường. Rất nhanh, một quả chanh lăn vào miệng, đề phòng tử tù cắn lưỡi.
Pháp trường tờ mờ sáng, đìu hiu, quạnh vắng. Cọc gỗ dựng bên huyệt đã được đào sẵn từ đêm trước. Tử tội được dẫn vào vị trí, chủ tịch hội đồng thi hành án tử hình đọc tội trạng: “Tử tội cần phải loại bỏ ra khỏi đời sống xã hội". Năm tay súng sắp hàng nghiêm trang.
Tất cả chú ý! Giương súng. Mục tiêu tên tội phạm. Bắn!
Việc thi hành án tử tù tại trại tạm giam Hà Nội thường kết thúc trước lúc mặt trời mọc. Nói như lời của ông Nguyễn Văn Hoắc, nguyên giám thị trại tam giam Hà Nội: "Những xấu xa, tội lỗi cần được gột rửa trước khi một ngày mới bắt đầu".
Chiều 17/6, với đa số phiếu tán thành Quốc hội nhất trí từ 1/7/2011 sẽ không tiếp tục áp dụng biện pháp xử bắn tử tù mà thay vào đó là tiêm thuốc độc. |
Anh Thư
Tội ác cần phải loại bỏ ra ngoài đời sống xã hội
Cái chết nào cũng đều đáng thương. Tử tù mặc dù rất đáng thương nhưng tội ác do họ gây ra lại đáng trách hơn bao giờ hết. Họ phải trả lại những gì họ đã gây ra cho gia đình người khác, cho những nạn nhân đã bị chết oan ức. Qua bài viết này, hy vọng những ai đang có âm mưu tàn ác hãy dẹp bỏ suy nghĩ và sống cuộc đời tốt đẹp hơn.
( chanpichu )
Nỗi đau và sự ân hận muộn màng!
Ai cũng quý trọng sống, đừng nên gây đau thương rồi mình phải nhận lấy đau thương. Ăn ăn hối cải đã quá muộn.
( nguyễn liêm )
Nên làm
Nên đưa nhiều hình ảnh về phút cuối để cảnh tỉnh những kẻ đang nung nấu ý đồ phạm pháp.
( Đinh Ngọc Hưng )
Cũng buồn lắm khi phải chứng kiến
Rất cần những án phạt tử hình để có tính răn đe mạnh, nhưng có thể nào không xử được không vậy. Vì tôi thấy tuy là bị tuyên án mất hết tính người và phải bị loại bỏ khỏi xã hội nhưng sau phán xét ấy và thời gian chờ hành quyết bản tính con người lại trỗi dậy mạnh mẽ trong những con người ấy. Vì có bản tính con người nên mới viết lên được những dòng an ủi người nhân như vậy. Có đối diện với cái chết thì mới nhận ra được mạng sống cần đến thế nào.
( Quyền )
Nên tuyên truyên để giảm bớt tội phạm
Thời gian còn lại họ phải đối diện giữa cái chết và cái sống nên chúng ta cũng thông cảm cho họ. Nhưng khi trở về với sự sống liệu họ có phạm tội nữa hay không, là điều chúng ta không đảm bảo. Theo tôi thấy đa số các tội phạm, đều tái phạm thậm chí là nặng hơn so với tội lần trước. Đây là biện pháp răn đe cần phải thực hiện. Để phòng ngừa, chúng ta phải đưa những hình ảnh này đến với giới trẻ nhiều hơn thông qua báo, đài, tuyên truyền qua những tác phẩm kịch hoặc phim chẳng hạn.
(Vo Hoang Gia)
Nên rất hạn chế tiến tới bỏ hình phạt này
Sự sống là một điều kỳ diệu chúng ta không có quyền tái sinh nên cũng không có quyền cướp đi mạng sống của người khác cho dù người đó có phạm lỗi lầm to lớn. Có nhiều cách để răn đe và giáo dục hữu hiệu, tôi mong rằng nhà nước sớm nghiên cứu và không áp dụng hình phạt này nữa.
(Nguyễn Văn Đông)
Đau xót
Tôi không thể cầm được nước mắt khi đọc những lời nói cuối cùng của kẻ tử tội. Hãy sống tốt hơn để không ai phải hối hận vì những việc đã làm.
(huynh thi thu hang)
Lương tâm
Trong mỗi chúng ta đều có nhân tính, có lương tâm đang ẩn sâu trong tận cùng của mỗi người. Chúng ta nên đánh thức và khơi dậy những lương tâm đó để cùng hoà vào cộng đồng loài người.
(Huy hieu)
Thật buồn. Nhưng phải vậy.
Thật buồn nhưng phải làm như thế để răn đe những kẻ vô lương tâm. Hãy biết dừng lại đúng lúc các bạn nhé.
(minh tien)
Tội ác không thể dung tha
Cần có những hình phạt nghiêm khắc như vậy để răn đe tội phạm, như trường hợp của Nguyễn Đức Nghĩa là một điển hình, hành vi phạm tội không thể tha thứ, mất hết tính người, ân xá cho những tên tội phạm như thế thì còn gì là pháp luật.
(nguoi thi hanh luat phap)
Vẫn cần án tử hình...
Chạnh lòng thương cho những tử tù khi phải trả giá cho những tội ác mà chính mình đã gây ra. Song những nạn nhân vô tội thì sao? Họ còn đáng thương hơn nhiều.
(nnn)
Cuộc đời
Cuộc đời là như vậy, lúc có thì không giữ lúc đã mất đi rồi thì lúc đó hối hận cũng là vô ích. Chi bằng hãy sống tốt với bản thân gia đình và những người thân yêu nhất. Tiền là tội ác, con người rồi cũng trở về cát bụi.
(Trần Thắng)
Rất tán thành
Những lời trăng trối muộn màng hướng về tình người thật cảm động. Nhưng luật pháp cần phải xử nghiêm, loại bỏ khỏi đời sống xã hội những con người như vậy để làm gương cho những người khác trong xã hội.
(tran cong)
Thương xót cho một kiếp người
Đọc bài viết này thấy rưng rưng... Mỗi người đều có quyền lựa chọn cách sống. Người ta vẫn nói chết là một cách sống. Có lẽ bị án tử hình là một điều mà không ai nghĩ tới, đó là cách mình từ giã cõi đời. Cùng một kiếp người, vậy mà.. Thương cho những mẹ già, con thơ... Chúc cho linh hồn nhanh chóng được giải thoát!
(Trần Mến)
Tội ác phải trả giá
Tử tội phải phạm tội ác tày trời mới phải bị tử hình, nhưng trước khi chết họ còn được viết lời trăng trối, được ăn uống... nhưng nạn nhân của tử tội thì không. Họ không phạm tội nhưng phải chết tức tửi không lời trăng trối, chết oan uổng mà không biết tại sao phải chết. Đọc bài trên mà đau đớn lòng, âu đó cũng là cái giá phải trả cho những tội ác mà tử tội gây ra, hy vọng xã hội không phải chứng kiến những điều này trong tương lai.
(Friend)
Không còn cách khác sao?
Tôi đã rất quan tâm và đã luôn quan tâm đến các bản án tử hình. Đã nhiều lần nghe thấy, đọc thấy, nhìn thấy. Dù vẫn biết những con người đó tội lỗi họ gây ra thật to lớn và đáng căm phẫn. Nhưng nếu nói họ là đã dám cướp đi mạng sống của người khác là một tội phải chết. Nhưng thử nghĩ lại xem, chúng ta là ai mà lại có cái quyền được lấy đi sinh mạng của họ...
Tôi thiết nghĩ rằng những cán bộ làm luật nên áp dụng bản án tù chung thân là cao nhất trong bộ luật hình sự. Nhưng với điều kiện đó là bản án tù chung thân phải thật là đúng với ý nghĩa của nó...
(Phạm Văn Bình)
Cuộc sống quý giá nên giữ lại được chăng?
Dẫu biết rằng những người tử tù bị án phạt là do những hành động không thể tha thứ. Nhưng cuộc sống là quý giá lắm, có thể cho họ cơ hội bớt đau đớn và sợ hãi trước lúc chết không. Bản thân tôi luôn ủng hộ loại án tử hình bằng án tù mãi mãi. Thay vì giết họ đi thì nên bắt họ lao động tạo ra của cải cho xã hội, các nước tiên tiến đều làm như vậy. Họ bị giam cho đến khi già mà chết đi thì cũng không còn làm hại ai được nữa, cũng chẳng khác gì là chết đi, mà như vậy người thân họ sẽ bớt đau đớn.
(nguyễn thành)
Dù sao cũng là một con người
Dù sao cũng là một con người. Do hoàn cảnh xã hội của mỗi người khác nhau, đã kiến tạo nên tích cách và suy nghĩ của họ, đã dẫn họ đến con đường tội lỗi. Có thể nói đó là những người không may về mặt xã hội. Dù sao đến khi lìa bỏ cõi đời thì họ sẽ trở lại chính con người của mình.
(Ngô Thành Duẫn)
Nên duy trì án tử hình
Tôi nghĩ đất nước ta trong thời kỳ chuyển mình này cần lắm phải duy trì án tử hình. Đọc bài viết và hình ảnh cũng có một chút chạnh lòng. Nhưng khi hình dung lại tội ác mà chúng gây ra với bao nhiêu người vô tội, hình ảnh những người mẹ - người cha mất con, những người vợ mất chồng, những trẻ thơ mất cha, cả một gia đình mất đi cái hạnh phúc đang có chỉ vì những tham lam ich kỷ, những ham muốn bệnh hoạn, tôi lại càng căm thù họ hơn bao giờ hết. Đành rằng mạng sống của con người là quý, nhưng đối với những kẻ không biết quý mạng sống của đồng loại, thì việc loại trừ chúng vĩnh viển ra khỏi xã hội là điều rất cần thiết.
(Trung Hiếu)
Cần được tuyên truyền rộng rãi hơn
Đọc bài viết này tôi thấy rất đau lòng, dù người có tội đến đâu thì tình người vẫn có khi ở những giây phút cuối cùng.
Theo tôi có tội phải đền nhưng cần công khai những bài viết này nhiều hơn rộng hơn để con người thấy đó làm gương mà suy nghĩ tránh cho bản thân phải đi đến bước đường đó, sẽ rất có ích để đến lúc nào đó chúng ta sẽ không phải chứng kiến những cảnh đau lòng này nữa.
(HIep Doan)