Tết buồn của đôi vợ
chồng già bị 7 đứa
con đẩy ra đường
Bài viết này
được đăng trên
báo Pháp Luật
Việt Nam, chúng
tôi xin cảm ơn
nhóm tác giả bài
viết và xin trân
trọng chuyển tới
độc giả.
***
Những đứa con “trời
đánh”
Tìm
đến thôn Đồng Lư hỏi
thăm vào ngôi chùa
có vợ chồng cụ già
phải tá túc, mọi
người đều biết chính
xác: “Chắc cô chú
tìm ông bà Quý hả?
Tội nghiệp ông bà ấy
lắm cô chú ạ, hiền
lành, chịu thương
chịu khó nhưng về
già mất phúc. Con
cái thì đông đúc,
giàu có mà có đứa
nào chịu nuôi bố mẹ
đâu”. Rồi không kịp
để khách hỏi thêm
câu nào, mọi người
tranh nhau kể tội
mấy đứa con bất nhân
của hai cụ: “Mấy hôm
trước chúng nó lại
vừa hành hung bố
mẹ”.
Cụ
bà Nguyễn Thị Chén
đang cầm chổi quét
sân chùa, tuổi già,
mắt kém nên lẩy bẩy
lia từng nhát chổi
chậm chạp, cứ vài
phút lại dừng tay
đấm lưng. Trời Hà
Nội những ngày cuối
năm lạnh đến dưới 10
độ C nhưng bà cụ cho
biết ông lão chồng
mình từ sáng sớm đã
ra đồng mò cua bắt
ốc.
Nghe
có người muốn đến
hỏi chuyện bi kịch
của mình, khóe mắt
nhăn nheo của bà cụ
trào nước mắt: “Một
đời chúng tôi vì con
vì cái, nuôi nấng
dựng vợ gả chồng cho
chúng, không để nợ
một đồng một cắc nào
cho chúng. Vậy mà
giờ chúng đối xử với
vợ chồng tôi thế này
đây”.
Cách
đây 60 năm, ông bà
quen nhau trong một
lần đi làm thuê ở
miền sơn cước rồi
nên duyên vợ chồng.
Về sống với nhau,
ông bà lập nghiệp từ
đôi bàn tay trắng
trong hoàn cảnh khó
khăn nghèo túng. Lúc
vợ chồng ra ở riêng
tài sản chỉ có duy
nhất 20 cây tre để
dựng căn nhà làm nơi
tá túc tránh mưa
tránh nắng.
Ông
bà lần lượt sinh hạ
được bảy người con,
ba trai, bốn gái.
Cuộc sống vốn dĩ đã
khó khăn, khi bảy
đứa con lần lượt
chào đời thì cuộc
sống càng túng quẫn
hơn. Để nuôi được
bảy người con thành
người, ông bà đã
phải chịu trăm ngàn
cực nhục. Ông đi làm
thuê làm mướn hùng
hục suốt ngày, còn
bà thì tối ngày cắm
mặt trên mấy thửa
ruộng kiếm miếng cơm
manh áo nuôi con.
Căn nhà nhỏ cũ nát
đêm mưa không có chỗ
nằm, ông bà nhường
cho các con chỗ khô
ráo, còn mình thì
chịu trận giữa mưa
gió. Bữa no bữa đói,
nồi cơm độn sắn ngô
không đủ cho đàn con
đông đúc, có bữa ông
bà phải nhịn ăn
nhường con.
Xã
hội ngày càng càng
phát triển, cuộc
sống rồi cũng bớt
khó khăn. Rồi ông bà
dựng vợ gả chồng cho
mấy đứa con lớn, mấy
đứa nhỏ thì do cuộc
sống khó khăn quá
nên ông bà dắt lên
vùng kinh tế mới ở
Tiến Xuân thuộc
huyện Lương Sơn,
tỉnh Hòa Bình (nay
là xã Tiến Xuân,
huyện Thạch Thất,
thành phố Hà Nội).
Đến vùng kinh tế
mới, do chịu khó làm
ăn nên cuộc sống gia
đình đã thoát khỏi
cảnh túng quẫn. Lúc
này ông bà dựng vợ
gả chồng nốt cho mấy
đứa nhỏ.
Tuy
không bằng ai nhưng
ông bà vẫn cố gắng
lo lắng cho con cái
chu đáo, 3 người con
trai thì cho mỗi anh
một dinh cơ khi lấy
vợ, không để nợ một
xu một đồng cho đứa
con nào. Khi người
con trai thứ ba của
ông bà lấy vợ xây
nhà, đứa con xui ông
bà bán đất ở vùng
kinh tế mới để lấy
tiền xây nhà cho
mình, ông bà cũng
nghe theo vì cha mẹ
nào chẳng “cá đuối
đắm đuối vì con”.
Những bữa cơm chan
nước mắt
Bà
cụ giơ tay gạt dòng
nước mắt rồi tiếp
tục câu chuyện. Sau
khi dồn hết tiền làm
nhà cho anh con trai
thứ ba, ông bà về ở
với người con trai
cả khi trong tay ông
bà không còn tiền.
Người con cả khi đó
đã hậm hực hắt hủi
ông bà với lý do:
“Bao nhiêu tiền cho
thằng thứ ba hết,
tôi không được gì”,
trong khi chính anh
ta thừa hưởng mảnh
đất trước đó cha mẹ
cho.
Sống
với người con cả, vợ
chồng cụ phải làm
như người đi ở. Hàng
ngày hai cụ phải lấy
bèo nuôi bảy con
lợn, cày cấy gặt
hái, đi làm sớm về
muộn mới được miếng
cơm để ăn. Đến mùa
vụ, có khi cụ bà đi
gặt được mấy gánh
lúa thì con dâu mới
ra đồng. Cực nhục là
vậy nhưng với bản
tính hiền lành chịu
thương chịu khó, ông
bà cắn răng không
kêu nửa lời cho vừa
lòng vợ chồng con
cả. Nhưng cũng chẳng
được bao lâu thì anh
con cả tuyên bố
thẳng thừng: “Ông bà
cút khỏi nhà này, đi
đâu thì đi”.
Vợ
chồng cụ đành lẳng
lặng ôm quần áo tìm
đến nhờ vả anh con
trai thứ ba. Những
tưởng trước đây mình
đã lo lắng bán nhà
đi lấy tiền cho nó
xây nhà thì con sẽ
tốt với mình, thế
nhưng trái lại người
con này cũng không
kém phần tệ bạc với
cha mẹ và tỏ rõ
“quan điểm”: “Ông cả
không tử tế với ông
bà thì tôi việc gì
phải tử tế?”.
Ở
đây, cảnh khổ không
kém gì con cả khi đã
không những phải làm
lụng vất vả, họ còn
năm lần bảy lượt bị
con đuổi đi. Nhục
nhã nhất là những
bữa cơm chan nước
mắt. Bữa ăn nào cũng
vậy, người con trai
bắt bố mẹ phải cung
kính mời… vợ chồng
con cái mình ăn cơm
bằng câu: “Mời ông
bà ăn cơm, mời các
cháu ăn cơm”.
Có
những người làng xóm
thấy vậy thì bực
mình thay và phẫn
nộ: “Ông bà hiền quá
để nó bắt nạt, mình
là bố mẹ đến bữa thì
sao phải mời chúng
nó”. Thử một lần
“phạm thượng”, tối
đó hai cụ không mời
thì bị con trừng mắt
nạt nộ: “À, cái nhà
này ăn cơm không ai
mời ai à”. Sợ ông
“trời con”, ông bà
run rẩy “trở về nếp
cũ”: “Mời ông bà…”.
Nhẫn
nhịn bao lâu những
mong yên thân nhưng
“cây muốn lặng mà
gió chẳng dừng”, đến
một hôm gã con trai
thứ ba giơ tay đấm
vào mặt mẹ, vác dao
kề cổ bố xua đuổi:
“Bước mẹ chúng mày
ra khỏi nhà, không
tao cho nhát dao bây
giờ” (Lời nguyên văn
của cụ Chén - PV).
Thấy bố mẹ lủi thủi
ôm mớ quần áo rách
bước đi, gã còn
thẳng thừng tuyên
bố: “Còn quay về đây
thì đập chết”.
Vẫn
còn một niềm hi vọng
nữa là người con
trai thứ. Biết bố mẹ
phải lang thang
ngoài đường, anh này
đón ông bà lên ở
cùng nhưng cũng được
vài hôm. Phải sống
trong cảnh những lời
nói móc máy của cô
con dâu ra rả trong
nhà suốt cả ngày,
ông bà cảm thấy sống
còn khổ hơn chết.
Nước mắt lưng tròng,
không còn nơi nương
tựa vợ chồng cụ lang
thang đây đó, đến
khi không còn chỗ
nào nữa đành phải
vào ở nhờ nhà chùa.
Tám mươi năm
cuộc đời vất vả
làm lụng, gia
tài các cụ có
trong tay là bảy
đứa con bất hiếu
và bất lực, sau
miếng ván dùng
để đóng áo quan
khi chết cùng 3
bao tải đựng lá
khô dùng đun
nấu. Người làng
thấy vậy liền
thương tình
người cho cái
bát, người cho
manh chiếu,
người cho cái
giường cũ để các
cụ dựng thành
cái “tổ ấm” cuối
đời.
(Ảnh minh họa)
Rơi lệ nghe những kỷ
niệm buồn
3
người con trai thì
vậy, những người con
gái cũng không “khá
khẩm” gì hơn. “Mấy
đứa con gái thì một
đứa lấy chồng ở Xuân
Mai, một đứa lấy ở
trại Bà Nhà, một đứa
ở Cố Đụng (đều là
những địa điểm gần
nơi ông bà đang ở
nhờ - PV), còn đứa
út thì lấy chồng ở
làng Đồng Lư này
thôi”, bà lão nhẩm
đếm. 3 đứa con gái
của cụ theo lời kể
của bà lão tội
nghiệp thì kinh tế
đều khá giả, chỉ có
cô út lấy chồng ở
làng thì nghèo “rớt
mồng tơi”.
Chẳng biết giàu sang
cỡ nào nhưng mấy đứa
con gái hàng năm
không ngó ngàng tới
bố mẹ, năm thì mười
họa mới mua cho ông
bà mấy viên thuốc,
Tết nhất may ra cho
được túi kẹo cái
bánh. Riêng cô con
út cùng làng thương
cha mẹ già thì thỉnh
thoảng ghé qua nhưng
nghèo quá, nuôi còn
chưa nổi nói gì lo
cho cha mẹ già.
Trở
lại câu chuyện những
người con trai.
“Sòng phẳng” mà nói
thì lúc ra nhà chùa
ở, hai cụ vẫn chưa
đến nỗi không còn
“miếng đất cắm dùi”
vì vẫn còn một sào
ruộng để cấy lúa
sinh nhai. Thế nhưng
tài sản cuối cùng
này cũng bị đứa con
trai cả tranh cướp.
Đã mấy lần cô út đi
giúp bố mẹ già làm
ruộng thì bị vợ
chồng anh cả vác
cuốc đuổi đánh,
không cho làm hộ vì
“đó là ruộng của
tao, mày đừng có
động vào”,
Chưa
hết, mấy năm trước
hai cụ đến tuổi
thượng thọ nên được
hưởng chính sách của
Nhà nước, theo quy
định thì phải có sổ
hộ khẩu, chính quyền
mới có thể làm giấy
tờ chúc mừng, làm
chế độ. Vẫn đứng tên
trong hộ khẩu gia
đình con trai cả,
ông bà lủi thủi về
van vỉ con cho mượn
cái sổ hộ khẩu để
làm giấy tờ cũng bị
đứa con từ chối
thẳng thừng.
Khi
người cha về van vỉ:
“Con cho bố mượn sổ
hộ khẩu một lát, bố
chỉ mang đi
photocopy rồi trả
ngay” thì đứa con
nại ra lý do “Sổ
đang ở nhà trưởng
thôn”. Lóc cóc tìm
đến nhà trưởng thôn
thì được biết rằng
con đã lừa mình, ông
lão lại lộn trở lại
nhịn nhục xin mượn
lần nữa thì con trai
– con dâu đùn đẩy
nhau. Uất ức, người
cha gạt nước mắt lủi
thủi quay đi và thề
“không bao giờ bước
chân đến đây nữa”.
Cũng
có những lúc ông bà
lão 80 này được
những đứa con “đối
xử tử tế” một cách
bất thường. Đó là
những lúc chúng cần
các cụ làm “con ở”.
Thằng con trai thứ
ba của họ là một ví
dụ, khi vợ sinh nở
thì người này tới
đón vợ chồng cụ vào.
Đã “cảnh giác” sau
nhiều lần bị lợi
dụng nên cụ ông
không đi vì nghĩ “nó
chỉ đạo đức giả”,
riêng cụ bà thương
con thương cháu nên
theo vào chăm sóc,
giặt giũ, làm lụng
“phục vụ” gia đình
con.
Lời
ông cụ đã đúng khi
đứa cháu đã cứng
cáp, vợ chồng đứa
con lại đuổi bà đi:
“Bà đi làm lấy mà
ăn, không được ở đây
nữa”. Gần 10 năm nay
thấy ông bà lão chui
rúc trong căn lều
rách, nhiều người
hàng xóm khuyên:
“Hai cụ đi ở nhờ
đình chùa làm gì cho
khổ, về làm một túp
lều ở góc vườn nhà
thằng con mà ở”.
Phong phanh nghe
thấy, đứa con ngang
ngược nói bóng gió:
“Về tao không cho
làm, tao “băm”
chết”.
Với
những “kinh nghiệm
xương máu” từ những
đứa con, bà cụ thành
thật: “Chẳng biết
rồi khi chúng tôi
chết chúng có để ý
đến bố mẹ không, hay
lại phải nhờ cậy đến
chính quyền, đến dân
trong làng”. Những
đứa con trai chưa
từng một lần đến xem
túp lều nơi cha mẹ
trú thân, chưa từng
một lần ngó ngàng để
ý bố mẹ còn sống hay
chết.
Táng
tận lương tâm hơn,
chúng còn cấm tiệt
các con không được
chào hỏi, không được
ra chơi với ông bà.
Những đứa con dâu
“rách giời rơi
xuống” thì đã đành,
nhưng những đứa cháu
có lẽ đã được bố mẹ
“huấn luyện” nên có
gặp ông bà hay cô út
ngoài đường chúng
cũng “bơ” đi như
người dưng nước lã.
Chúng tôi hỏi tại
sao hai cụ không nhờ
chính quyền địa
phương can thiệp sự
việc, ít nhất nếu
con cái không nuôi
cha mẹ thì cũng phải
trả các cụ mảnh
ruộng cho các cụ
kiếm gạo chứ? Cụ bà
nghẹn ngào: “Chính
quyền cũng không làm
gì được mấy thằng
con tôi. Ở đây chúng
nó chửi nhau hết với
họ hàng rồi đến hàng
xóm, sống một mình
mà không chơi với ai
cả”.
Chị
út khi đó vừa đến
thăm mẹ cũng gục đầu
nức nở: “Trước kia
khi anh tôi kề dao
vào cổ bố dọa chém,
chính quyền và dân
quân có đến bắt anh
ta viết giấy cam
đoan không được hành
hung bố mẹ nữa nhưng
chỉ hôm trước hôm
sau lại đâu vào đấy.
Tôi thì cũng đau
lòng lắm nhưng “lực
bất tòng tâm” các
anh chị ạ, muốn nuôi
bố mẹ mà sức không
nổi vì nghèo, lại
lấy chồng nên phải
lo nhà chồng”.
Sống khổ hơn chết
Góc
nhà nơi ông bà lão
“trời đày” này trú
ngụ rộng khoảng dăm
m2, chiếc giường xin
được ở đâu nên hai
chân còn, hai chân
phải lấy gạch kê
lên. Người già đã
khó ngủ, đêm mùa
đông càng khó ngủ
hơn khi gió cứ len
lỏi qua cửa sổ thốc
vào nhà dù hai cụ đã
cẩn thận nhét đầy ni
long, giẻ rách vào
các khe hở. “Nghĩ
cực lắm, chúng tôi
có làm gì nên tội
đâu mà lại bị đày
đọa thế này.
Nhưng vợ chồng tôi
cũng kiên gan lắm
đấy, nhiều khi cũng
muốn phát điên hay
cắn lưỡi mà chết,
nhưng bây giờ mà
chết thì chính quyền
với làng xóm lại khổ
nên sống được ngày
nào cứ cố sống. Đêm
nào cũng nước mắt
chảy xuôi, cụ Chén
nói.
Đọc
đến đây, nhiều người
sẽ thắc mắc ông bà
lão sinh sống bằng
gì. Bà cụ cho biết
ngoài việc ông lão
ngày ngày đi mò cua
bắt ốc, người trong
làng còn mỗi người
giúp một chút, hôm
thì cho lon gạo, hôm
thì cho ít muối, mà
người già ăn ít,
chẳng có nhu cầu mua
sắm gì nên ông bà
vẫn cầm cự được.
“Năm nay là cái Tết
thứ tám vợ chồng tôi
ở đây rồi, Tết nhất
chẳng có gì, cứ nhìn
nhà người ta con cái
sum vầy thì mình lại
khóc. Mình có đến
bảy đứa con, hàng
chục đứa cháu mà lại
khốn khổ khốn nạn
nhất cái làng này”,
cụ Chén khóc.
Rồi
cụ bà ngóng ra ngoài
xem cụ ông đã về đi
mò cua bắt ốc về
chưa, chép miệng
thương chồng: “Khổ
thân ông ấy, tôi thì
ốm đau nên mọi việc
đều phải ông ấy làm.
Sáng nay tôi bảo
trời vẫn rét lắm,
đừng đi ra đồng lặn
lội nữa mà ông ấy
vẫn gạt đi, bảo là
Tết đến nơi rồi phải
kiếm mớ ốc con tép
bán kiếm tiền mua
nén nhang cúng tổ
tiên. Trời rét thế
này tôm tép cũng
trốn sạch, có khi
mình còn chết rét ấy
chứ”.
Cụ
bà kể lại cụ ông
ngày may mắn thì
cũng kiếm được vài
con ốc bán lấy dăm
ngàn, có ngày đi từ
sáng đến tối mới về
mà tay không vì “tay
đưa thìa cháo lên
miệng còn run, mắt
kèm nhèm thì làm sao
bắt được tôm tép. Có
ngày bắt được nửa
giỏ ốc về nhưng đổ
ra tôi mới thấy quá
nửa toàn là… vỏ ốc.
Những ngày không có
gì ăn hay gần hết
cái ăn, hai cụ phải
nấu cháo húp dằn
lòng, hoặc cố đi
nhặt nhạnh rau dại
ăn trừ bữa. Chùa
cũng không có nước,
hàng ngày cụ ông lọc
cọc kéo xe bò từ
giếng làng về để
dùng sinh hoạt.
Ấy
là mấy hôm trước ông
lão vừa đi viện về,
vậy mà vừa xuất viện
hôm trước hôm sau
lại đã lọ mọ ra đồng
tìm cái ăn. Nhắc đến
chuyện này, bà cụ
lại rưng rưng nước
mắt nhớ “bạn”. “Bạn”
của bà là một con
chó gầy giơ xương,
tám năm nay lủi thủi
quanh quẩn cùng ông
bà, lúc ông đi kiếm
ăn thì bầu bạn với
bà, cho bà vỗ về.
Vậy
nhưng hôm ông lão
ốm, nhà làm gì có
đồng nào xu nào nên
bà chạy nháo nhác
khắp làng hết vay
rồi xin cũng chỉ
được vài chục ngàn.
Bà lão đành gọi lái
chó đến bán “bạn”
mình đi. Bà vỗ về
“bạn” trước khi
người lái chó thòng
dây vào cổ con chó
ốm: “mày thông cảm,
hoặc là chồng tao
chết, hoặc là mày
chết. Thôi “mày” đi
thay ông ấy”. Không
rõ con chó lẽ cũng
hiểu tình cảm của bà
lão, hay vì đói quá
nên chẳng còn sức
ăng ẳng kêu như
những con chó khác
khi bị bán, chỉ mắt
long lanh nước nhìn
bà chủ ngoảnh mặt
đi.
Trong cuộc đời này
không nỗi buồn nào
buồn bằng nỗi buồn
con bất hiếu
-
cha mẹ bị hắt hủi.
Ai cũng có mẹ có cha
nên chạnh lòng trước
thảm cảnh của hai
cụ, chúng tôi cũng
muốn khóc nhưng phải
cố dằn lòng vì khóc
không giúp được gì
cho hai cuộc đời khổ
sở cùng cực này, chỉ
mong thông qua mặt
báo chuyển tải đến
hàng triệu bạn đọc
trên cả nước lời
khẩn cầu có một sự
đóng góp nhỏ giúp đỡ
hai cuộc đời này.
Lẩn
thẩn nghĩ lại thấy
hai cụ ngày xưa đã
nghèo, nay còn nghèo
hơn nữa: 60 năm
trước khi lấy nhau
các cụ còn có mơ ước
về những đứa con là
“của để dành” và 20
cây tre làm nhà; nay
cuối đời các cụ còn
gì ngoài sự thất
vọng về đạo lý làm
người và 6 miếng gỗ
mới chỉ đủ làm một
chiếc áo quan, lại
động chạm đến nỗi áy
náy của bà cụ: “Hai
người chết chung thì
còn chôn một hòm
được, nếu không chết
cùng nhau thì chẳng
lẽ một người lại… bó
chiếu?”
Theo
Pháp Luật Việt Nam